Trang chủ
Tin Tức
Bồi hồi ngày trở lại trường đi học sau 7 tháng học online

Háo hức, hồi hộp và cũng có những lo lắng là tâm trạng của khoảng 150.000 học sinh lớp 9, lớp 12 của TP.HCM chính thức trở lại trường vào sáng nay (13.12). 


Nhanh chóng xếp hàng, đo thân nhiệt, sát khuẩn và đi chuyển vào trường, Phan Huyền Như, học sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5) nói như hét lên vì vui mừng: "Cả đêm qua con không ngủ, gần 7 tháng rồi nay con mới gặp bạn. Con vô lớp đây. Con mong ngày này lâu lắm rồi".


Vui mừng nhưng cũng có chút lo lắng nên Trần Tuệ Bình, học sinh Trường THCS Lý Phong, chia sẻ em không thể nô đùa mà phải bình tĩnh để thực hiện 5K.


Cũng trong sáng nay, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế tổ chức gần 20 đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch khi mở cửa lại trường học.


Tại Trường THCS Lý Phong, người đứng đầu 2 Sở nói trên đã đến kiểm tra công tác tổ chức học trực tiếp của trường.


Còn tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), hơn 600 học sinh lớp 9 phải thực hiện các công đoạn tầm soát sức khỏe trước khi vào khuôn viên trường. Do đó, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, dặn dò học sinh khai báo y tế ở nhà để tránh ùn tắc ở cổng trường.


Nhờ vậy, đúng giờ quy định, học sinh đã lần lượt xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn đi theo luồng của 4 máy đo thân nhiệt và xịt khuẩn tự động đặt tại cổng để vào Trường THCS Trần Văn Ơn.


Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết trường bố trí giáo viên trực ở cổng để phân luồng học sinh, đồng thời xử lý các vấn đề phát sinh.


“Ngày đầu tiên đến trường, học sinh sẽ sinh hoạt nội quy, cách ứng xử với dịch bệnh khoa học, phù hợp từ 8 giờ và kéo dài khoảng 60 phút. Ngày mai, học sinh bước vào học nội dung kiến thức. Giờ học sinh vào học và ra về của các lớp được sắp xếp lệch nhau để tránh tụ tập, ùn tắc. Tất cả giáo viên, học sinh đều vào trường và ra về theo sơ đồ một chiều, đảm bảo quy định phòng chống dịch", bà Giang nói.


Tương tự, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) hôm 10.12 đã tổ chức sinh hoạt nội quy, hướng dẫn các quy định sẽ thực hiện trong thời gian trở lại trường học như khai báo y tế bằng mã QR, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn… Do đó, hôm nay (13.12), khoảng 600 học sinh lớp 12 bước vào ngày học chính thức.


Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết nhà trường tăng cường công tác phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh học sinh, nâng cao trách nhiệm và vai trò kết nối của từng lực lượng trong nhà trường. Theo cô Thủy, hàng ngày học sinh sẽ học 4 tiết học trực tiếp tại trường và 4 tiết trực tuyến tại nhà. Vì vậy, nhà trường khuyến cáo và đề nghị phụ huynh chuẩn bị đồ ăn sáng ở nhà cho con em; hạn chế để học sinh mang theo thức ăn, sử dụng thức ăn trong trường; mang theo bình nước cá nhân để sử dụng…


Theo quy định của UBND TP.HCM, các trường THCS, THPT thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho học sinh lớp 9, lớp 12 từ ngày 13 đến hết ngày 25.12. Sau thời gian này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu UBND TP xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần khối lớp hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

TP HCM dạy học trực tiếp lớp 1, 9 và 12 từ 13/12

Trong hai tuần 13-25/12, tất cả học sinh lớp 1, 9 và 12 sẽ đến trường; sau đó thành phố xem xét kết quả thí điểm và cân nhắc tiếp.


Ngày 1/12, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong hai tuần.


Trẻ mẫu giáo 5 tuổi bắt đầu đến trường từ 20/12.


Riêng huyện Cần Giờ, trường mầm non Thạnh An, tiểu học Thạnh An, THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả khối lớp từ 13/12.


Từ nay đến 5/12, các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác chăm sóc, tổ chức học trực tiếp. Ngành giáo dục tập huấn cho cán bộ, nhân viên phòng chống dịch ngày 8/12; phổ biến hướng dẫn đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại, ngày 10/12.


Thành phố yêu cầu, các trường xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trước ngày 3/12. Trước khi mở cửa, các trường phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Thủ Đức và quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án này.


Ngày đầu tiên học sinh trở lại, trường không tổ chức hoạt động học tập, chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập. Thời khoá biểu được bố trí lệch ca, lệch giờ. Nếu học sinh, giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.


Sau hai tuần thí điểm đi học lại, thành phố sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TPHCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.


Thầy trò Thạnh An rộn ràng niềm vui trong ngày đầu tiên trở lại trường học | giaoduc.edu.vn

Ảnh: Học sinh Trường Thạnh An, Cần Giờ trong ngày trở lại trường học.


Theo kế hoạch, các trường cấp THPT mở cửa căn cứ theo cấp độ dịch của thành phố, các trường còn lại theo cấp độ dịch của TP Thủ Đức hoặc các quận, huyện nơi trường đóng trú.


Thành phố ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp ở những cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Với học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ, phải thực hiện xét nghiệm theo quy định của ngành y tế.


Từ 19 đến 25/11, 9 quận huyện ở TP HCM ghi nhận dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh) là: 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.


13 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng), gồm: 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè.


Ở cấp độ dịch toàn quốc, TP HCM thuộc cấp 2 - vùng vàng, nguy cơ trung bình.


Với kế hoạch của thành phố, nhiều trường học tại TP HCM trước đó cho biết, họ đã sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh trở lại, kể cả phương án ứng phó khi có F0 xuất hiện trong học sinh, giáo viên.


Nguồn: VNExpress

Chính phủ yêu cầu sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học

Trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.


Văn phòng Chính phủ hôm nay cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11.


Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dụng dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2023 do Bộ Y tế trình.


Trong đó, Chính phủ lưu ý cần phải rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu.

 

Chính phủ lưu ý các biện pháp y tế với 3 trụ cột: cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể.


Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác. Đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vắc xin và bảo đảm thuốc điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế; giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch; sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.


Cùng với đó, cần tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất nhu cầu, cơ chế đầu tư bổ sung, kiện toàn, cân nhắc tập trung ở quy mô khu vực; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực hiện có.

Đồng thời, làm rõ nhu cầu vắc xin, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm rõ ràng, cụ thể; có cơ chế hỗ trợ sản xuất trong nước vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị Covid-19.


Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng Covid-19; tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân và tăng cường sự phối kết hợp giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong phòng, chống dịch.

 

Nguồn:Báo Thanh Niên

Đi học trở lại, phát hiện F0 có nghỉ học toàn trường ?

Tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra hôm qua (8.11) do Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT tổ chức, các địa phương đã thảo luận vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) đi học trở lại.


Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thành phố đã ban hành quy chế an toàn trường học để thực hiện. Sở cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho HS khi mở cửa trường trong thời gian tới. Hiện các trường học, cơ sở giáo dục cũng đã sẵn sàng để đón HS đi học trở lại. Dù vậy, khi cho HS đi học trở lại, ông Dũng kiến nghị với Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý khi phát hiện các trường hợp F0, F1, F2… trong lớp học.


Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các địa phương phải rất linh hoạt, dựa trên tình hình của từng nơi, từng vùng dịch để thiết lập một kế hoạch riêng.


Theo ông Tuyên, hiện các nước trên thế giới đã bắt đầu thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 và Việt Nam cũng đang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh hiện nay.


Ông Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở GD-ĐT các địa phương rà soát lại, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.


Về hình thức xử lý cụ thể khi học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo: “Từng trường một phải có hai kế hoạch, một là kế hoạch phòng chống dịch chung, thứ hai là phương án xử lý F0. Tôi chỉ lưu ý khi không may trong trường có ca F0, trước mắt chúng ta phải khoanh vùng cả trường, sau đó sàng lọc, xét nghiệm, phân tích dịch tễ học… Những trường hợp F0 trường cho đi điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, còn F1 cũng có thể cách ly tập trung hoặc tại nhà. Nếu có phong tỏa thì chỉ phong tỏa lớp học, tầng học… sau đó khử khuẩn. Sau 24 giờ khử khuẩn, chúng ta vẫn tiếp tục mở lớp học, đưa giáo viên, HS lớp khác sang học bình thường. Chúng ta không nên quá hoang mang”.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

Trẻ mầm non ở TP.HCM sẽ đi học trở lại trong thời gian tới thế nào?

Thời gian đầu khi trẻ mầm non đi học lại các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi/ngày, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.

 

Theo phương án mở cửa trường học, học sinh học trực tiếp trở lại trong tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM thì việc tổ chức đi học trở lại phải đảm bảo an toàn khi đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Trong đó, với trẻ mầm non, nhóm đối tượng đã nghỉ học từ đầu tháng 5 và không học trực tuyến như các bậc phổ thông, thì việc mở cửa trở lại rất quan trọng.

 

Với nhóm này, Sở lên kế hoạch, thời gian đầu các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.

 

Sau mỗi tuần, phòng GD-ĐT sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận, huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp…).

 

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, từng trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động nhà trường để linh hoạt thực hiện việc dạy và học phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương, nơi trường trú đóng và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

 

Để chuẩn bị cho việc đi học trở lại, Sở yêu cầu rà soát tình hình cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, kể cả ngoài công lập, kế hoạch và tiến độ bàn giao các trường được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch…

 

Đặc biệt về đội ngũ, các cơ sở phải nắm lại tình hình của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường để có phương án bổ sung, hợp đồng tạm (nếu có) để hoạt động trở lại, nhất là với các cơ sở giáo dục mầm non.

 

Những giáo viên đã tiêm đủ liều vắc xin sẽ được phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc. Và chỉ những giáo viên được chích ngừa vắc xin phòng Covid-19 từ 2 tuần trở lên mới được vào trường.

 

Trước đó, trả lời báo chí về dự kiến đi học trở lại của học sinh, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu tình hình tiêm chủng vắc xin ổn định thì các em có thể đi học sau 5 tuần tới.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khỏe?

Ngày 7.11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những yêu cầu về việc đảm bảo sức khoẻ của học sinh trong thời gian học trực tiếp và học trực tuyến.

 

Theo đó, lúc học sinh còn học trực tuyến tại nhà, các trường xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống dịch Covid-19 nếu có trường hợp nhiễm tại trường và tổ chức diễn tập trước khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.

 

Triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, thống kê thường xuyên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, có biện pháp hỗ trợ trong công tác dạy, học, tư vấn về sức khỏe tinh thần. Thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý phòng chống các vấn đề về sức khỏe học sinh như tật khúc xạ ở mắt, tình trạng thừa cân béo phì, tình trạng cong vẹo cột sống, sức khỏe thần kinh tâm thần.

 

Khi học sinh học trực tiếp, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, nhà trường thực hiện công tác khám sức khỏe cho cán bộ, giáo viên nhân viên và kiểm tra sức khỏe học sinh. Tổ chức giám sát phát hiện sớm học sinh nhiễm bệnh trong trường học và chuyển tuyến điều trị kịp thời. Tổ chức hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh về đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng chống, cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

 

Khi hoạt động bán trú, bữa ăn bán trú được phép tổ chức trở lại, trong hướng dẫn thực hiện do Phó Giám đốc Sở GD- ĐT triển khai, lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường phải đảm bảo an toàn theo quy định. Đảm bảo 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căn tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hằng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp…

 

Lãnh đạo trường học chịu trách nhiệm trong công tác quản lý căn tin khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Cụ thể căn tin không bán những mặt hàng đồ chơi kẹo bánh trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ và không rõ hạn sử dụng. Không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Nhà trường công khai các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn đến phụ huynh học sinh vào đầu năm học, nếu có thay đổi đơn vị cung cấp thì phải thông báo công khai để cha mẹ học sinh được biết.

 

Ngày 30.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố. Tại đây, Sở GD-ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10.12.

 

Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp, sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

 

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì không tổ chức dạy trực tiếp mà tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…

 

Nguồn:  Báo Thanh Niên