Home
News
Hà Nội - 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19

Sự cố y khoa xảy ra tại Trạm Y tế xã Yên Sơn ngày 3/11 khi nơi này tổ chức tiêm chủng cho các cháu độ tuổi 2-6 tháng tuổi. Do sơ suất, nhân viên y tế đã tiêm nhầm vaccine Pfizer cho trẻ. Hiện chưa rõ tại sao xảy ra nhầm lẫn, các bé đã được tiêm vaccine Pfizer với liều lượng bao nhiêu.


Các bé sau đó được đưa đến theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đến thăm khám cho trẻ.


Hiện sức khỏe các bé ổn định, một số có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm, là những phản ứng thông thường sau tiêm, không có trường hợp nào sốc phản vệ.


Sở Y tế Hà Nội cho biết đã báo cáo Bộ Y tế, tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF.


Huyện Quốc Oai đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây tiêm gồm 4 nhân viên, rà soát quy trình tiêm chủng cho trẻ em. Nhân viên trực tiếp tiêm cho các bé đã bị đình chỉnh công tác để xem xét trách nhiệm.


Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, không để tình huống tương tự xảy ra.


Hà Nội chưa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Bộ Y tế từ ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Chiến dịch tiêm cho trẻ em trên toàn quốc chính thức triển khai từ 1/11. Theo kế hoạch, từ nay đến quý I/2022, toàn bộ trẻ 12-17 sẽ được tiêm theo lộ trình tiêm trước các em 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi, ưu tiên khu vực đang có dịch và theo nguồn cung vaccine.


Vaccine 5 trong 1 phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Đây là vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng định kỳ.

 

Nguồn: VNEpress

Tháng 12 - Học sinh TP.HCM dự kiến trở lại trường: Thích nghi với bình thường mới

Trước thông tin học sinh TP.HCM có thể trở lại trường vào tháng 12 tới, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong chờ, chuẩn bị sẵn các tình huống nếu được đi học trực tiếp.

 

Không thể kéo dài học trực tuyến mãi !

Với đề xuất mà Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng cho học sinh (HS) đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10.12, ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6), nói rằng phương án này phù hợp với tình hình hiện tại. Thời điểm đó, HS trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tạo sự miễn dịch cộng đồng cần thiết. Đây là một trong những điều kiện an toàn để các em có thể trở lại trường học tập.

 

Các trường sẽ được tập huấn và chuẩn bị các phương án tổ chức đón HS trở lại theo Bộ tiêu chí an toàn trường học để HS học tập trực tiếp an toàn nhất. Dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát, TP đã mở cửa trở lại các hoạt động, vì vậy việc tổ chức cho HS quay trở lại trường với các phương án và sự chuẩn bị an toàn là cần thiết với tình hình chung lúc này của TP. Còn nếu chờ hết dịch hoàn toàn mới cho HS đi học lại thì không biết khi nào.

 

Ông Trần Minh nói thêm qua thời gian ngừng đến trường, mặc dù giáo viên và HS đã quen, nỗ lực để thích nghi hình thức học trực tuyến nhưng với HS cuối cấp như lớp 9 và đặc biệt là khối 12 thì học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng cuối năm cùng với HS cả nước.

 

Về việc Sở GD-ĐT có phương án tính toán cho HS đến trường trở lại khi đã khống chế kiểm soát được dịch thì ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng đây là việc làm cần thiết. Ở đây có thể thấy Sở GD-ĐT đã chủ động và chuẩn bị nhiều kịch bản trong thời gian vừa qua, ứng với từng giai đoạn cụ thể. “Chúng ta không thể kéo dài tình trạng học trực tuyến. Hiện nay, các trường triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến với giải pháp nhằm đảm bảo thời gian năm học, thực hiện nội dung chương trình và tạo động lực, duy trì nền nếp học tập của HS. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho HS phần lớn là truyền thụ kiến thức chuyên môn, không thể tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục hiện nay như giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, thực hành thí nghiệm hay các hoạt động văn thể mỹ, giáo dục đạo đức… nên kết quả không thể như mong muốn”, ông Bình phân tích.

 

Vì vậy, ông Bình đồng tình với thời gian dự kiến cho HS quay trở lại trường từ ngày 10.12 và cho rằng có tính khả thi. Vị hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nói thêm cuối tháng 11 công tác tiêm 2 mũi vắc xin cho HS gần như hoàn tất. Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có đến hơn 99% HS đã tiêm mũi 1. Bên cạnh đó, cuối tháng 11, công tác sửa chữa, chỉnh trang trường lớp sau thời gian tham gia công tác chống dịch của các trường cũng hoàn thiện để đảm bảo đón HS đến trường. Thế nên, vào thời điểm đó, căn cứ trên kế hoạch của Sở, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón HS đi học trở lại.

 

Phụ huynh và học sinh mong chờ

Là HS lớp 12, đối với Nguyễn Lê Tường Vy, Trường THPT Marie Curie (Q.3), việc quay trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp em và các bạn năm cuối có thể tập trung tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Vì vậy khi nghe thông tin có thể sớm được học trực tiếp, Vy không khỏi vui mừng.

“Bọn em sẽ có thể tập trung tốt hơn cho việc học cũng như có thêm thời gian bên bạn bè, thầy cô vì đây là năm cuối rồi”, Vy nói và cho biết bản thân em cũng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo chủ trương của TP.HCM nên sẽ an tâm hơn khi quay trở lại trường. Dù vậy, Vy cho biết nếu đi học em sẽ tuân thủ các quy định phòng dịch để việc trở lại trường đảm bảo an toàn và ổn định.

 

Còn Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8), cho biết không khỏi háo hức. “Bọn em là HS lớp 10, vào trường 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được gặp mặt bạn bè, thầy cô. Em hy vọng sớm được đi học để làm quen với bạn mới và việc học tập có hiệu quả, không khí hơn”, nữ sinh này chia sẻ.

 

Anh Thư cũng cho biết dù chưa có lịch chính thức nhưng em sẽ chuẩn bị đồng phục, sách vở, giày dép mới cùng tinh thần lạc quan để đến lớp sau nhiều tháng liền không đến trường.

 

Trong khi đó, vừa ở vai trò là người đi dạy vừa là phụ huynh, chị Nguyễn Thị Hạnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết gia đình chị hy vọng các con có thể sớm được quay trở lại trường, vợ chồng chị cũng sớm được trở lại công việc bình thường như trước đây.

 

Có con đang là HS lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10), theo chị Hạnh, đến nay các em đã không đến trường gần nửa năm. Dù học trực tuyến được cải thiện đến đâu thì cũng không thể so sánh được với việc các em HS được đến trường học trực tiếp. Bản thân dạy trực tuyến gần 2 năm nay, chị Hạnh cho biết vẫn không tránh khỏi trường hợp bị mất đường truyền, mạng yếu, cô dạy trò không thể nghe, trò phát biểu bị ngắt quãng…

 

“Cả gia đình mình đã bị nhiễm Covid-19 hồi tháng 9, lúc đó cả gia đình 3 người trên 18 tuổi đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, còn bé nhỏ năm nay 11 tuổi thì chưa tiêm. Nhưng riêng bé nhỏ lại gần như không có triệu chứng, chỉ bị sốt nhẹ trong vòng 3 ngày. Chưa kể, khi cho con đến trường phụ huynh sẽ có trách nhiệm trong việc theo dõi sức khỏe của các em, nên theo quan điểm cá nhân thì mình vẫn mong muốn mở cửa trường học, để cả người lớn và HS thích nghi dần với tình hình mới”, chị Hạnh chia sẻ.

 

Khi cho HS đi học, theo chị Hạnh, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề như: thầy trò không còn phải căng thẳng khi học trực tuyến, cha mẹ có thể yên tâm đi làm trở lại. Hiện nay không ít phụ huynh phải nghỉ làm ở nhà kèm cặp con học trực tuyến, đặc biệt là với những HS lứa tuổi nhỏ.

 

Trong khi đó, có con học lớp 1 tại Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp), chị Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng nếu TP.HCM mở cửa trường học thì cần ưu tiên cho HS lớp 1. Bởi theo chị Thu, cả HS, giáo viên và phụ huynh của khối này cực kỳ vất vả khi các con học trực tuyến. Ở khối lớp này, sĩ số lớp học thì đông, các em lại lần đầu tiên học tập trung, phải tập viết nên rất cần sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên.

 

“Bọn nhỏ học đến tuần thứ 7 rồi, ghép vần, viết chữ, làm toán tách gộp… Dù lịch học chủ yếu chỉ tiếng Việt và toán nhưng các con không thể nào theo kịp, cứ học trước quên sau. Nhìn con vật vã đánh vần từng câu, còn chữ thì viết sai thấy mà thương. Nên nếu được, vợ chồng mình rất ủng hộ cho HS lớp này được đến trường”, chị Hoài Thu nói.


Học sinh TP.HCM dự kiến trở lại trường trong tháng 12: Thích nghi với bình thường mới - ảnh 1

Học sinh TP.HCM đã được tiêm vắc xin và có thể đi học lại trong thời gian tới 


Sau 2 tuần đi học lại, cô trò đều vui vẻ, hào hứng

Là nơi đầu tiên ở TP.HCM cho HS đi học lại, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ), cho biết cả cô và trò đều rất vui vẻ, háo hức vì được đến trường.

“Sau 2 tuần mở cửa trường thấy HS nhanh nhẹn, tiếp thu bài tốt hơn. Trong tuần đầu tiên, giáo viên của trường phải dành thời gian ôn tập lại, cầm tay chỉ bút cho các em những điều mà giáo viên không thể điều chỉnh, hỗ trợ các em khi dạy qua mạng”, thầy Bình chia sẻ.

Hiện 112 HS hai khối 1 và 2 của trường này đều được học cả ngày ở trường, riêng các khối còn lại vẫn học trực tuyến.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

TPHCM đề xuất tiêm cho trẻ 3 đến 12 tuổi

 Sau 5 ngày triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em, đã có hơn 450.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 được chích ngừa, tất cả đều đảm bảo an toàn. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ để sớm bao phủ mũi 1 cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

 

TPHCM đề xuất tiêm cho trẻ 3 đến 12 tuổi


Ngày 2/11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, TPHCM cho biết, tất cả các quận huyện trên địa bàn đang triển khai đồng bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Sau 5 ngày thực hiện, đã có 445.398 trẻ được chủng ngừa.

 

Ngành y tế đang thực hiện theo nguyên tắc tiêm cho trẻ từ độ tuổi lớn trước và hạ dần độ tuổi. Trong tổng số mũi được tiêm đã có 200.018 trẻ từ 16 đến 17 tuổi, 245.380 trẻ từ 12 đến 15 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn, tất cả các quận huyện hiện chỉ ghi nhận 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, tất cả đều được xử lý kịp thời và ổn định.

 

Tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống COVID-19 theo quy định như: đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong 1 dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại 1 địa điểm; đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp.

 

Bên cạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em, ngành y tế đang tập trung nguồn lực tiêm chủng cho sinh viên, công nhân đi từ các tỉnh thành khác về thành phố. 

 

Sở Y tế TPHCM cho biết nơi đây đã lên danh sách, đề xuất Bộ Y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 3-12 tuổi. Sở Y tế cũng yêu cầu các phường, xã đang lên danh sách và lập kế hoạch sẵn sàng thực hiện công tác tiêm chủng khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về quy trình và loại vắc xin sử dụng cho chủng ngừa.

 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Bộ Y tế quyết: Sẽ tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ 12-17 tuổi toàn quốc

Từ tháng 11-2021, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em.


Pfizer/BioNTech chính thức xin cấp phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi - Tin liên quan - Cổng thông tin Bộ Y tế

 

Ngày 26-10, GS.TS Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.


Từ tháng 11-2021, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và nhiều nước sử dụng. "Đây là vắc xin đảm bảo an toàn cho trẻ em" - Bộ Y tế cho biết.


Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn trong văn bản 8688 ngày 14-10 của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.


Cụ thể, tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.


Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ.


Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. "Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.


Việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.


Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành phố về tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em trong ngày 29-10, đồng thời cũng giao cho các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.


Các địa phương cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thực hiện theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm, hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm theo các quy định của Bộ Y tế.


Các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm tích cực tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ.


Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc xin cho trẻ em.


Song song với việc tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em, bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 1 và bao phủ vắc xin cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời giảm nguy cơ tử vong nếu mắc bệnh theo đúng tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế.

 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xét kiến nghị ‘cầu cứu’ của mầm non tư thục

Dựa trên kiến nghị ‘cầu cứu’ của hàng trăm cơ sở mầm non tư thục ở TP.HCM,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.




Cụ thể, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) tối 25.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP.HCM về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.


Dựa trên thư kiến nghị của hàng trăm cơ sở mầm non tư thục ở TP.HCM, Thủ tướng yêu yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan có liên quan gồm: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi. Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước ngày 1.11.


Trước đó, gần 100 trường mầm non tư thục ở TP.HCM với hơn 200 cơ sở đã có thư (thư ký tên điện tử) kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đồng thời gửi UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM… Họ kiến nghị mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài.



Trong thư kiến nghị, các trường mầm non đề xuất nhiều chính sách mong muốn được hỗ trợ. Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục mầm non tư thục gồm nhiều điểm như: tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở GD-ĐT TP.HCM được sớm hoạt động trở lại.


Tổ chức đối thoại giữa đại diện các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở Y tế, UBND TP.HCM để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến đảm bảo môi trường lớp học an toàn trong mùa dịch và bảo vệ sức khỏe của học sinh, ví dụ tổ chức xét nghiệm định kỳ…


Hỗ trợ các gói vay tín dụng để doanh nghiệp trang trải các chi phí cơ bản; miễn giảm phí bảo hiểm xã hội, y tế; miễn giảm các loại thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp...


Còn đối với cán bộ, nhân viên giáo viên ngành mầm non tư thục, các trường kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ ưu tiên chích vắc xin cho giáo viên, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác quay trở lại TP.HCM làm việc. Đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục.


Hiện thư kiến trực tuyến của các trường mầm non tư thục cũng đã có 282 chữ ký của chủ trường, giáo viên.

Tại TP.HCM, trường học đã phải đóng cửa phòng dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 5 đến nay, riêng học sinh từ bậc tiểu học trở lên đã bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến từ đầu tháng 9 thì bậc mầm non vẫn tiếp tục đóng cửa. Theo thống kê của mới nhất của Sở GD-ĐT TP.HCM từ đầu năm đến nay đã có 114 cơ sở mầm non phải giải thể, có 19 cơ sở khác đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Mầm non tư thục đóng vai trò rất lớn tại TP.HCM, toàn thành phố có 1.368 trường mầm non, trong đó 896 trường là mầm non tư thục, chiếm 65,5%.


Nguồn: Báo Thanh Niên

TP.HCM đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20-10

Sáng 14-10, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết UBND huyện Cần Giờ vừa có đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20-10, thực hiện cho các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12.


TP.HCM đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20-10 - Ảnh 1.


"Đó là 2 trường tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An, nằm trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. UBND huyện Cần Giờ đề xuất: giai đoạn đầu, 243 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 sẽ đi học lại từ ngày 20-10. Sau một thời gian, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường", ông Dũng nói. 


Cũng theo ông Dũng: "Ngoài việc hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, hiện Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An cũng đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh về việc cho con em đi học lại. Kết quả là hơn 90% phụ huynh đồng ý cho con em đến trường. Dự kiến, số học sinh chưa đồng thuận đi học lại sẽ tiếp tục học trên Internet". 


Trả lời câu hỏi về thông tin đến tháng 1-2022 các trường học ở nội thành TP mới mở cửa, ông Dũng cho hay: "Đó chỉ là dự kiến. Việc mở cửa trường sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Chủ trương của sở là sẽ mở cửa trường ở những nơi được xác định an toàn trong phòng chống dịch và mở cửa từng bước, tận dụng thời gian an toàn để dạy - học trực tiếp".


Trong khi đó, nhiều phụ huynh ở TP.HCM bày tỏ rằng hiện tại họ rất sốt ruột, mong mỏi từng ngày cho con em được đi học lại, nhưng học sinh phải được tiêm vắc xin thì họ mới cho con mình đến trường.  

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ